Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Hệ vi sinh đường ruột, Kháng sinh và Béo phì

LTS: Nghiên cứu mới của Cox và cộng sự là một mảnh ghép quý giá giúp chúng ta hiểu hơn về ảnh hưởng của hệ vi sinh đường ruột bị thay đổi bởi kháng sinh đối với bệnh béo phì. Những kết quả thu được cho thấy việc sử dụng kháng sinh làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột trên chuột dẫn đến sự thay đổi kết cấu cơ thể và chuyển hóa. Thậm chí điều này cũng xuất hiện khi cấy hệ vi sinh này lên chuột bình thường. Tác giả hứa hẹn một cách ngăn tình trạng béo phì do sự thay đổi vi sinh ruột được truyền từ mẹ sang con bằng cách sử dụng kháng sinh trong giai đoạn đầu đời.

Béo phì là một vấn đề sức khỏe lớn trên toàn cầu nhưng nền tảng của vấn đề này phức tạp hơn những gì chúng ta thường nghĩ. Yếu tố dinh dưỡng và di truyền đóng vai trò một phần trong sự tiến triển của béo phì, điều này giải thích vì sao những năm gần đây trọng tâm được chuyển sang hàng tỉ vi khuẩn ở đường ruột con người và những ảnh hưởng có lợi của chúng trong việc thu nhận năng lượng và tín hiệu chuyển hóa. Một nghiên cứu của Cox và cộng sự chỉ ra rằng việc sử dụng penicillin liều thấp lúc trẻ tuổi cảm ứng tác động kéo dài đến kết cấu cơ thể do thay đổi hệ vi sinh đường ruột.
Giai đoạn đầu đời là giai đoạn quan trọng trong việc tạo nên hệ vi sinh đường ruột và sự phát triển chuyển hóa. Các tác giải trước cho thấy việc sử dụng kháng sinh không nhằm mục đích điều trị trên chuột trẻ sẽ thay đổi hệ vi sinh đường ruột và kết cấu cơ thể. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là liệu độ tuổi khởi đầu điều trị bằng kháng sinh có đóng vai trò đặc biệt trong việc tiến triển béo phì và béo phì dai dẳng trong thời gian dài sau khi điều trị. Trong nghiên cứu gần đây, Cox và cộng sự thấy rằng chuột bị tổn thương đặc biệt khi phơi nhiễm với penicillin liều thấp trong khoảng thời gian cửa sổ quan trọng sau khi sinh ra. Chuột đực có mẹ điều trị với penicillin trước khi sinh và trong suốt giai đoạn cai sữa sẽ có sự thay đổi trong kết cấu cơ thể khi lớn và gia tăng khối lượng và khối lượng mỡ, gia tăng dự trữ mỡ ở những vị trí bất thường, tăng biểu hiện trên gan của các gen tổng hợp mỡ, giảm thành phần khoáng trong xương và tăng diện tích xương. Trái lại, kết cấu cơ thể của chuột đực có dùng penicillin sau giai đoạn cai sữa và chuột cái sử dụng penicillin ở cả hai giai đoạn (trước sinh và sau cai sữa) tương tự như nhóm chứng. Kết quả chỉ ra rằng những sự thay đổi nhỏ đối với hệ vi sinh đường ruột gây ra bởi phơi nhiễm giới hạn với penicillin liều thấp trong giai đoạn cửa sổ riêng biệt trong sự phát triển có thể gây ra tác động lâu dài chuyên biệt giới tính trong kết cấu cơ thể.

Cox và cộng sự tiến hành nghiên cứu về việc điều trị bằng penicillin sử dụng trước sinh với ảnh hưởng của chế độ ăn giàu chất béo trong sự phát triển của béo phì. Penicillin liều thấp và chế độ ăn giàu chất béo cho thấy ảnh hưởng chọn lọc độc lập trên hệ vi sinh đường ruột và khối lượng cơ thể - cụ thể là khối lượng mỡ - của chuột đực. Việc phơi nhiễm penicillin cũng cho kết quả về cơ bản là khối lượng mỡ cao hơn chuột cái có chế độ ăn giàu chất béo, so với chuột cái phơi nhiễm penicillin và có chế độ ăn ít béo. Sự kết hợp penicillin và chế độ ăn giàu chất béo làm tăng nồng độ insulin đói. Nghiên cứu này nhấn mạnh sự tiến triển của béo phì phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn và gene. Việc xác định yếu tố làm thay đổi hệ vi sinh đường ruột có thể giúp chúng ta hiểu được tại sao mỗi cá nhân có nguy cơ khác nhau đối với chế độ ăn giàu năng lượng.

Cuối cùng, Cox và cộng sự khảo sát rằng liệu hệ vi sinh đường ruột được thay đổi bởi penicillin có tác động tương tự trên kết cấu cơ thể và chuyển hóa nếu được cấy vào chuột bình thường (chưa có hệ vi sinh đường ruột) không. Hệ vi sinh manh tràng được cấy từ chuột 18 tuần tuổi nhóm chứng và nhóm được điều trị bằng penicillin sang chuột 3 tuần tuổi bình thường. Các chuột trẻ nhận hệ vi sinh bị thay đổi bởi penicillin tăng khối lượng cơ thể và khối lượng mỡ với tốc độ nhanh hơn đáng kể so với nhóm chứng. Nhóm nhận hệ vi sinh bị thay đổi bởi penicillin cũng giảm biểu hiện gen đáp ứng miễn dịch ở ruột, tương tự như chuột cho. Kết quả này chỉ ra rằng sự thay đổi về miễn dịch và chuyển hóa không gây ra bởi những ảnh hưởng trực tiếp của kháng sinh mà do sự thay đổi về hệ vi sinh đường ruột.

[caption id="attachment_387" align="aligncenter" width="800"]Hình 1. Thời điểm sử dụng Penicillin liều thấp và Nguy cơ béo phì Hình 1. Thời điểm sử dụng Penicillin liều thấp và Nguy cơ béo phì[/caption]

Ở người, các nghiên cứu tương tự khó có thể tiến hành. Nghiên cứu dịch tễ chỉ ra rằng những can thiệp ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột như mổ đẻ và điều trị lúc nhỏ với kháng sinh, sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân sau này ở trẻ em. Hiện tại, chúng ta chưa có bằng chứng trực tiếp về một quan hệ nhân quả ở người. Và việc chuyển các kết quả từ chuột sang người vẫn còn khó khăn. Mặc dù người có lẽ có nguy cơ đối với điều trị kháng sinh khi còn nhỏ, sự khác biệt về giới tính có thể không giống như chuột và độ dài của giai đoạn cửa sổ có thể khác. Ngoài ra, cường độ ảnh hưởng của kháng sinh đối với báo phì ở người nên được cân nhắc với lợi ích của chỉ định lâm sàng của kháng sinh của trẻ sơ sinh. Có thể đưa ra giả thiết rằng trong gia đình có béo phì, điều trị kháng sinh khi sinh có thể đảo ngược tác động có hại của hệ vi sinh gây béo phì được truyền từ mẹ sang con.

Béo phì và nguyên nhân của nó vẫn còn là bí ẩn; mỗi mảnh ghép giúp chúng ta hiểu hơn về các yếu tố nguyên nhân một các hoàn thiện hơn. Nghiên cứu của Cox và cộng sự là một mảnh ghép đáng giá khi nó chứng minh được bằng chứng về sự tồn tại giai đoạn cửa sổ đầu đời, lúc đó hệ vi sinh đường ruột có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của các đặc điểm chuyển hóa lâu dài.

GeekyMedicine dịch - NEJM

Share:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.